Văn hóa Người_Indonesia_gốc_Hoa

Ngôn ngữ

Bốn phương ngôn chính của tiếng Hoa hiện diện tại Indonesia: Chương-Tuyền, Quan thoại, Khách Gia, và Quảng Đông. Ngoài ra, người Triều Châu nói một phương ngôn hiểu lẫn nhau với tiếng Chương-Tuyền. Tuy nhiên, phân biệt giữa hai nhóm được nhấn mạnh ngoài khu vực họ xuất thân.[7] Ước tính có 2 triệu người bản ngữ các phương ngôn tiếng Hoa tại Indonesia vào năm 1982: 700.000 người nói các ngôn ngữ Mân Nam (gồm Chương-Tuyền và Triều Châu); 640.000 nói tiếng Khách Gia; 460.000 nói Quan thoại; 180.000 nói tiếng Quảng Đông; và 20.000 người nói các ngôn ngữ Mân Đông. Ngoài ra, một ước tính cho biết 20.000 người bản ngữ các dạng của tiếng Indonesia.[125]

Nhiều người Indonesia, bao gồm người Hoa, tin vào sự hiện diện của một phương ngữ Mã Lai, Mã Lai Trung Hoa. Sự phát triển của văn học "peranakan" trong nửa sau của thế kỷ 19 dẫn đến một biến thể như vậy, được phổ biến qua các câu chuyện silat (võ thuật) dịch từ Trung văn hoặc viết bằng tiếng Mã Lai và Indonesia. Tuy nhiên, các học giả lập luận rằng nó khác biệt do pha trộn ngôn ngữ nói Java và Mã Lai.[lower-alpha 8]

Ngoại trừ vài từ mượn từ tiếng Hoa, không cái gì về 'tiếng Mã Lai Trung Hoa' là độc nhất của người Hoa. Ngôn ngữ chỉ là thứ tiếng Mã Lai kém, chợ búa, thứ tiếng chung của các đường phố và chợ tại Java, đặc biệt là trong các thành phố tại đó, được nói bởi toàn bộ các dân tộc tại đô thị và môi trường đa dân tộc. Do người Hoa là một thành phần chiếm ưu thế trong các thành phố và chợ, ngôn ngữ có liên kết với họ, song các quan chức chính phủ, người Âu-Á, thương nhân di cư, hoặc người từ các khu vực ngôn ngữ khác biệt, đều dùng đến dạng tiếng Mã Lai này để giao thiệp.

— Mary Somers Heidhues, The Encyclopedia of the Chinese Overseas[126]

Tài liệu học thuật thảo luận về tiếng Mã Lai Trung Hoa thường ghi chú rằng người Hoa không nói cùng một phương ngữ Mã Lai trên toàn quần đảo.[127] Hơn nữa, mặt dù chính phủ thực dân Hà Lan lần đầu giới thiệu chính tả Mã Lai vào năm 1901, các báo người Hoa không theo tiêu chuẩn này cho đến hậu độc lập.[128] Do các yếu tố này, người Hoa đóng một "vai trò quan trọng" trong phát triển tiếng Indonesia hiện đại khi là nhóm lớn nhất trong giai đoạn thuộc địa giao thiệp bằng nhiều phương ngôn Mã Lai.[129]

Truyền thông

Toàn bộ các xuất bản phẩm tiếng Hoa đều bị cấm chỉ dưới chính sách đồng hóa trong thời kỳ Suharto, với ngoại lệ là nhật báo Harian Indonesia do chính phủ kiểm soát.[130] Việc bãi bỏ cấm chỉ tiếng Hoa sau năm 1998 thúc giục các thế hệ người Hoa Indonesia cao tuổi xúc tiến sử dụng tiếng Hoa trong thế hệ trẻ; theo nhà nghiên cứu về người Hoa hải ngoại Vân Xương Diệu (Chang-Yau Hoon), người Hoa Indonesia cao tuổi nghĩ rằng họ tất nhiên "chịu ảnh hưởng từ các đức tính của văn hóa Trung Hoa và các giá trị Nho giáo".[131] Một tranh luận diễn ra trên truyền thông vào năm 2003, thảo luận về "mẫu ngữ" tiếng Hoa và "quốc ngữ" tiếng Indonesia.[131] Nhớ quê hương là một đề tài phổ biến trên truyền thông Hoa ngữ trong giai đoạn ngay sau chính phủ Suharto. Địa vị chính trị và kinh tế của Trung Quốc được gia tăng khi bước sang thế kỷ 21 trở thành một động lực cho nỗ lực của họ nhằm thu hút các độc giả trẻ tìm lại nguồn gốc văn hóa của mình.[132]

Trong ba thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, người Hoa sở hữu hầu hết, nếu không phải là toàn bộ, các rạp chiếu phim trong các đô thị trên toàn Đông Ấn Hà Lan, Các phim từ Trung Quốc được nhập khẩu trong khoảng thập niên 1920, và một ngành công nghiệp điện ảnh bắt đầu nổi lên vào năm 1928 khi ba anh em nhà họ Hoàng (Wong) đến từ Thượng Hải —phim của họ chiếm ưu thế trên thị trường trong suốt thập niên 1930.[133] Những phim sơ khởi này hầu như chỉ tập trung vào cộng đồng người Hoa, song một vài quan hệ liên dân tộc được thẩm tra là một chủ đề chính.[134] Lệnh cấm sau này về việc sử dụng tiếng Hoa tại nơi công cộng đồng nghĩa với việc phim và chương trình truyền hình nhập khẩu được yêu cầu lồng tiếng Anh với phụ đề tiếng Indonesia. Khi các loạt chương trình võ thuật bắt đầu xuất hiện trên truyền hình quốc gia vào năm 1988, chúng được lồng tiếng Indonesia. Một ngoại lệ là chiếu phim Hồng Kông bằng tiếng Hoa—bị giới hạn trong các khu vực người Hoa và lân cận—do một thỏa thuận giữa các nhà nhập khẩu và cơ quan kiểm duyệt phim.[135]

Tôn giáo

Phân bổ liên kết tôn giáo, 2000[136]
Phật giáo
  
53.82%
Cơ Đốc giáo
  
35.49%
Hồi giáo
  
5.41%
Ấn Độ giáo
  
1.77%
Khác
  
3.91%
Dân số người Hoa Indonesia= 2.411.503

Có ít tác phẩm học thuật về sinh hoạt tôn giáo của người Hoa Indonesia. Sách tiếng Pháp Les Chinois de Jakarta: Temples et V́ie Collective 1977 là nghiên cứu lớn duy nhất về đánh giá sinh hoạt tôn giáo người Hoa tại Indonesia.[137] Bộ Công tác tôn giáo cấp địa vị chính thức cho sáu tôn giáo: Hồi giáo, Công giáo La Mã, Tin Lành, Ấn Độ giáo, Phật giáo, và Nho giáo. Một luật đăng ký dân sự năm 2006 không cho phép người Indonesia xác định bản thân là một thành viên của bất kỳ tôn giáo nào khác trên thẻ căn cước của họ.[138]

Theo điều tra nhân khẩu năm 2000, gần 90% người Hoa Indonesia là tín đồ Phật giáo hoặc Cơ Đốc giáo (Công giáo và Tin Lành).[136] Chuyển đổi từ tín ngưỡng truyền thống sang Cơ Đốc giáo thường diễn ra trong các thế hệ trẻ, và không phải là hiếm để thấy người con Cơ Đốc giáo có cha mẹ trung thành với tín ngưỡng truyền thống.[139] Làn sóng cải đạo đầu tiên diễn ra trong các thập niên 1950 và 1960, phản ứng trước sự bất khoan dung chống văn hóa Trung Hoa, và số lượng tín đồ Công giáo là người Hoa trong giai đoạn này tăng bốn lần. Làn sóng thứ hai là sau khi chính phủ rút Nho giáo khỏi danh sách tôn giáo được công nhận trong thập niên 1970. Roderick Brazier thuộc tổ chức Asia Foundation, tường thuật vào năm 2006 rằng 70% cư dân người Hoa là tín đồ Cơ Đốc giáo, và rằng tồn tại nhập đạo tích cực từ các giáo hội quốc tế.[140] Nhà nhân khẩu học Aris Ananta tường trình vào năm 2008 rằng "bằng chứng có tính giai thoại cho thấy rằng có nhiều Phật tử người Hoa trở thành tín hữu Cơ Đốc giáo khi tiêu chuẩn giáo dục của họ gia tăng".[141]

Người Hoa theo Hồi giáo tạo thành một thiểu số nhỏ trong dân số người Hoa, theo điều tra năm 2000 thì 5,41% người Hoa Indonesia theo Hồi giáo.[136] Các hiệp hội như Tổ chức người Hoa Hồi giáo Indonesia (PITI) từng tồn tại vào cuối thế kỷ 19. PITI được tái lập vào năm 1963 như một tổ chức hiện đại, song không hoạt động trong nhiều giai đoạn.[142] Nho giáo được đưa vào danh mục tôn giáo chính thức vào năm 2000 và theo tường trình có 3,91% người Hoa Indonesia theo tôn giáo này.[136] Hội đồng Tối cao Nho giáo Indonesia (MATAKIN) ước tính rằng 95% số tín đồ Nho giáo là người Hoa; hầu hết 5% còn lại là những người Java cải đạo.[138] Mặc dù chính phủ khôi phục tình trạng là một tôn giáo được công nhận của Nho giáo, song nhiều chính quyền địa phương không tuân theo và từ chối cho phép người Hoa đăng ký nó trên thẻ căn cước của họ.[143] Các quan chức địa phương phần lớn vẫn không biết rằng luật đăng ký dân sự cho phép về pháp lý các công dân để trống mục tôn giáo trên thẻ căn cước của họ.[138]

Kiến trúc

Mặt hậu của nhà người Hoa dọc một sông tại Semarang, Trung Java, khoảng 1925

Các hình thức khác nhau của kiến trúc Trung Hoa tồn tại khắp Indonesia, với khác biệt rõ rệt giữa các khu vực đô thị và nông thôn và giữa các đảo khác nhau.[144] Phát triển kiến trúc của người Hoa tại Đông Nam Á khác biệt với tại Trung Quốc. Bằng cách pha trộn các mô hình thiết kế bản địa và châu Âu (Hà Lan), xuất hiện nhiều biến thể về các phong cách hỗn hợp.[145] Kiến trúc Trung Hoa tại Indonesia được biểu thị qua ba dạng: đền chùa tôn giáo, nhà học tập, và nhà ở.[144] Các thành phố trong thời kỳ thuộc địa được phân thành ba khu vực chủng tộc: người châu Âu, người Đông phương (Ả, Rập, Hoa..), và người bản địa. Thông thường không có ranh giới vật chất giữa các khu vực, ngoại trừ sông, tường hoặc đường trong một số trường hợp. Ranh giới pháp lý như vậy thúc đẩy tăng trưởng cao độ về mật độ đô thị trong mỗi khu vực, đặc biệt là trong khu người Hoa, thường dẫn đến điều kiện môi trường nghèo nàn.[146]

Những người định cư ban đầu không trung thành với kiến trúc truyền thống khi xây dựng nhà, thay vào đó là thích nghi với các điều kiện sinh hoạt tại Indonesia. Mặc dù các nhà sơ khởi không tồn tại lâu, song chúng có vẻ được xây từ gỗ hoặc tre với mái tranh, giống như nhà của người bản địa khắp Sumatra, Borneo, và Java. Nhiều hoạt động xây dựng vĩnh cửu hơn thay thế các khu dân cư này trong thế kỷ 19.[147] Các chính sách kỳ thị chủng tộc thời thực dân Hà Lan ngăn cấm các dân tộc phi châu Âu sử dụng phong cách kiến trúc châu Âu. Người Hoa cùng các nhóm ngoại kiều khác và bản địa sống theo văn hóa riêng của họ. Nhà của người Hoa dọc theo duyên hải phía bắc của Java được cải tạo để đưa vào trang trí Trung Hoa.[148] Khi kỳ thị chủng tộc được nới lỏng lúc bước sang thế kỷ 20, những người Hoa bị mất bản sắc của mình đã tiếp thu văn hóa châu Âu và bắt đầu loại bỏ các trang trí dân tộc khỏi các công trình kiến trúc của họ. Các chính sách mà chính phủ Trật tự Mới thi hành có nội dung cấm chỉ biểu thị công khai văn hóa Trung Hoa, chúng cũng làm tăng tốc chuyển biến hướng đến kiến trúc bản địa và phương Tây.[149]

Ẩm thực

Mì xào, ẩm thực người Hoa hoàn toàn đồng hóa vào ẩm thực dòng chính Indonesia.

Ẩm thực người Hoa đặc biệt rõ rệt trong ẩm thực Indonesia thông qua các từ mượn tiếng Chương-Tuyền, Khách Gia, và Quảng Đông được sử dụng cho các món ăn khác nhau.[150] Những từ bắt đầu bằng bak (肉, nhục) nghĩa là có thịt, như bakpau ("bánh bao thịt"); từ kết thúc bằng cai (菜, thái) biểu thị là món rau, như pecai ("cải thìa") và cap cai.[151] Các từ mi hoặc mie (麵, miến) biểu thị món mì như trong mi goreng.

Hầu hết các từ mượn cho các món ăn và nguyên liệu của chúng có gốc Chương-Tuyền, và được sử dụng trong tiếng Indonesia và tiếng địa phương của các thành phố lớn. Do chúng trở thành một bộ phận không thể thiếu của ngôn ngữ địa phương, nhiều người Indonesia kể cả người Hoa không công nhận nguồn gốc Chương-Tuyền của chúng. Một số món ăn Indonesia phổ biến như nasi goreng, lumpia, và bakpia có thể truy nguyên đến ảnh hưởng Trung Hoa. Một số thực phẩm và nguyên liệu là bộ phận bữa ăn hàng ngày của các cư dân bản địa và người Hoa trong vai trò là món ăn kèm với cơm- thực phẩm thiết yếu trên toàn đảo quốc.[152] Trong các gia đình người Hoa, cả peranakan và totok, thịt lợn thường được ưa thích trong các loại thịt;[153] điều này tương phản với ẩm thực Indonesia truyền thống vốn tránh ăn thịt lợn. Tuy nhiên, tiêu thụ thịt lợn suy giảm trong những năm gần đây do nó được công nhận là góp phần vào các nguy cơ về sức khỏe như mức cholesterol cao và đau tim.[152]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Người_Indonesia_gốc_Hoa http://articles.chicagotribune.com/1998-03-18/news... http://www.ethnologue.com/show_country.asp?name=ID http://afp.google.com/article/ALeqM5gZ68H857ADsOp8... http://books.google.com/?id=aSEJqSQS7wkC&pg=PA179&... http://books.google.com/?id=ggyl2FSzXvgC&pg=PA12&d... http://books.google.com/books?id=pcRlgZttsMUC http://www.nytimes.com/1998/06/28/magazine/the-cap... http://www.nytimes.com/2006/04/27/opinion/27iht-ed... http://majalah.tempointeraktif.com/id/arsip/2007/0... http://www.thejakartapost.com/news/2008/05/17/film...